Đây là hệ thống đơn giản và dễ học, nó đặc biệt hữu dụng khi điểm tới nằm trên băng dài. Bộ căn băng này dựa trên hệ thống hình học, không phải nút số như các bộ khác, vậy nên chúng ta cũng không phải cố gắng ghi nhớ bất kì con số nào như những hệ thống khác. Bên cạnh đó, hệ thống này thường xuyên mang lại những thế gài bi thuận lợi tiếp theo, nên nó trở thành 1 trong những hệ thống được ưa chuộng nhất của hầu hết các tay cơ.
Ở trong hệ thống này, chúng ta có 1 đường cơ sở là đường thẳng nhắm vào vị trí 30 trên băng đầu tiên, chính vì lí do này mà người ta lấy luôn con số 30 làm tên cho hệ thống. Trong khi đó điểm đi sẽ bằng điểm đến, chỉ khác là nó sẽ nằm ở 2 băng dài đối diện nhau.
+ Điểm nhắm = 30
+ Điểm đi = Điểm đến
Ở 4 hình dưới đây, điểm đi = điểm đến = 60.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy, hệ thống này sử dụng chỉ 3 áp phê, đây cũng là 1 điểm lợi thế tiếp theo của hệ thống này.
Một câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta sẽ sử dụng áp phê nào? Ở đây chúng ta sẽ thấy rằng lực cule (hướng thẳng tới) càng lớn thì chúng ta phải càng giảm áp phê lại. Nói cách khác nếu chúng ta càng phải bắt buộc đánh dày để bi chủ đi vô vị trí 30 thì càng giảm áp phê.
Tiếp theo chúng ta sẽ phải tìm đáp án cho 1 trong những câu hỏi sau:
+ Góc lệch của bi chủ là bao nhiêu thì nên đặt áp phê bao nhiêu?
+ Hoặc đánh dày bao nhiêu vào bi mục tiêu 1 thì nên đặt áp phê bao nhiều?
Đó là những câu trả lời không quá khó nếu bạn đang thực sự muốn theo con đường 3 băng.
Phần cuối cùng của bài viết này sẽ là làm sao để căn những thế bi mà đường ra của bi chủ không nằm trên đường cơ sở 30? Chúng ta sẽ lần lượt thực hiện những bước sau:
Bước 1: xác định điểm đến mong muốn.
Bước 2: xác định điểm đi cơ sở (dùng để xác định đường cơ sở) là điểm nằm đối diện với điểm đến.
Bước 3: Tưởng tượng những đường thẳng nối điểm đi với điểm đến, và đường cơ sở như những đường màu xanh lam ở dưới.
Bước 4: Nếu bi mục tiêu 1 nằm trên đường cơ sở thì bài toán quá đơn giản. Nếu bi mục tiêu 1 không nằm trên đường cơ sở thì chúng ta tới bước 5.
Bước 5: Tưởng tượng đường đánh thực sự trước (dựa trên kinh nghiệm và luyện tập), để lúc tính toán bớt thời gian lại. Khi bạn luyện tập nhiều thì dẫn tới việc thuộc hình, nhiều khi quen quá rồi, thì việc căn chỉ còn là hình thức.
Bước 6: Kiểm tra lại và thay đổi đường đánh thực sự theo công thức:
Khoảng cách giữa điểm ngắm thực sự và nút số 30 (điểm ngắm cơ sở) = 3/4 Khoảng cách giữa điểm đi thực sự và điểm đi cơ sở.
Bước 7: tự tin và đánh. Mặc dù có nhiều bước vậy nhưng thực ra mình chỉ mất khoảng 5 đến 10s để ra kết quả cuối cùng thôi. ^^
Ở đây mình có vài thủ thuật nhỏ để căn dễ dàng hơn:
1. Nếu đường căn không phải là đường cơ sở 30 thì mình phải chú ý hình tạo bởi đường căn thực tế và đường cơ sở là 1 hình thang, mà 1 cạnh nằm trên điểm đi bao giờ cũng lớn hơn cạnh trên điểm ngắm. Nên lúc chúng ta ngắm đường đi mà hình thang này không đúng như miêu tả ở trên thì coi như sai.
Tiếp nữa là hình thang này nếu mình đánh nhiều sẽ ghi nhớ được nó, nên ở trình cao rồi thì vô chỉ cần tưởng tượng ra cái hình thang này là quất liền, khỏi cần tính toán 3/4 gì cho mệt. Nói chung cái này mình mô tả hơi dài dòng chút, hi vọng sẽ có người hiểu được ý tưởng
2. Lấy ngọn cơ để thực hiện các đường nhắm.
3. Có 2 cách để lấy tỉ lệ 3/4 của 1 số X nào đó ở bước 6.
+ Lấy X nhân với 3, và sau đó chia 4: 3/4 của X = (X * 3) / 4.
+ Cách đơn giản hơn là: lấy 1 nửa của X cộng với 1 nửa của 1 nửa mới tính ở trước.
1/2 X = Y
3/4 X = Y + 1/2 Y
Ví dụ:
Tính 3/4 của 12:
C1: 12=> 12×3 = 36, 36/4 = 9
C2: 12=> 6 + 3 = 9
Tính 3/4 của 18:
C1: 18=> 18×3 = 54, 54/4 = 13’5 C2: 18=> 9 + 4’5 = 13’5
Phần 2: Bình loạn
Hôm nay mình mới ra thử nghiệm hệ thống này, nói chung là khá hài lòng. Tuy nhiên một câu hỏi muôn thửa, tại sao ít người đánh bida 3 băng hay?
+ Lý do đầu tiên là chẳng mấy ai biết những bộ nút số này.
+ Thứ 2 là biết mà chẳng biết cách áp dụng cho hợp lý.
Tại sao ai cũng biết những hệ thống này, mà sao người đánh hay, người đánh dở. Cuối cùng vẫn là vấn đề cơ thủ đó có biết cách biến đổi những hệ thống này cho phù hợp với mình hay không.
Nói chung có quá nhiều cái để nói trong vấn đề đánh 3 băng, trong phạm vi hiểu biết, mình xin chia sẻ một chút về hệ thống này.
Trong 3 băng, tại sao bạn thấy những video cao thủ thế giới đánh, người ta ít khi dùng cơ để căn đường như những clip hướng dẫn trên mạng?
Theo mình có 2 lí do:
1. Giấu hệ thống nút số
2. Người ta tìm ra cách căn quá nhanh đối với hệ thống đó
Ở đây mình chỉ tập trung vô lí do thứ 2, có nghĩa người ta biến hệ thống đó thành của riêng mình, người ta có những cách căn dễ dàng và nhanh chóng nhất. Trong vô vàn những thủ thuật đó, lúc là kinh nghiệm, có khi là thuộc hình,..
thì 1 trong những lí do đó là suy nghĩ logic, đơn giản nhất có thể.
Chẳng hạn ở bài viết này mình thấy việc tính toán là lâu nhất, mệt mỏi nhất, và đó chính là việc cộng trừ so với đường cơ sở, vậy làm sao để giảm thiểu tối đa việc tính toán này?
Cách nhanh nhất là hãy cố gắng ghi nhớ 15 điểm cơ bản (hoặc hơn chút xíu)? Từ 15 điểm đó, chỉ cần (+-) 0.75, bạn có thể suy ra các con số lân cận.